Đan sâm – dược liệu đã được chứng minh tốt cho bệnh tim

Đan sâm: còn gọi là huyết sâm, xích sâm, tên khoa học Salvia miltiorrhiza Bunge, họ Hoa môi – Lamiaceae. Cây được nhập trồng ở Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội và một số vườn thuốc. Trong đan sâm có chứa các hợp chất phenol và acid phenolic như danshensu, acid rosmarinic, các acid salvianolic A, B, C, G, acid lithospermic) và các hợp chất diterpen (Miltiron, salvion, 3 chất ceton tinh thể: tansinon I, tansinon II, tansinon III,…). Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Đan sâm có vị đắng tính mát, qui vào 2 kinh tâm, can có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, tăng lưu thông máu, trục huyết ứ. Thực nghiệm đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của đan sâm trên bệnh tim mạch:

Cao rễ đan sâm có tác dụng trên rối loạn vi tuần hoàn gây bởi noradrenalin ở túi má chuột hang (hamster), làm giãn tiểu động mạch và tăng tốc độ vi tuần hoàn, cũng thấy tác dụng tương tự ở vi tuần hoàn tĩnh mạch và mao mạch.
Tiêm dẫn chất Tanshinon IIA 1mg/kg vào đầu phía xa của động mạch vành đi xuống, ở xa chỗ tắc, làm giảm có ý nghĩa kích thước của nhồi máu cơ tim cấp tính 24 giờ sau khi cho thuốc, kích thước vùng thiếu hụt mạch giảm đáng kể hoặc mất đi. Thử nghiệm lâm sàng trên 180 bệnh nhân có bệnh mạch vành tim chứng tỏ chất nêu trên có tác dụng cải thiện trên điện tâm đồ cũng như về lâm sàng đối với đau thắt ngực và tức ngực.

Tanshinon IIA có tác dụng in vitro ổn định màng hồng cầu, làm tăng sức kháng của hồng cầu với sự tan huyết gây bởi dung dịch nhược trương, nhiệt lượng, pH thấp hoặc saponin. Chất acid 3,4-dihydroxyphenyllactic (danshensu) trong rễ đan sâm gây giãn động mạch vành lợn cô lập và đối kháng với đáp ứng co mạch gây bởi morphin và propranolol. Như vậy có thể dùng morphin hoặc propanolol phối hợp với danshensu để điều trị cơn đau thắt ngực nặng. Mặt khác danshensu có tác dụng đối kháng với đáp ứng co động mạch vành gây bởi môi trường có nồng độ cao kali.

dan-sam-6

Áp dụng liệu pháp ion hóa với nước sắc đan sâm, huyền hồ (radix Corydalis) ở vùng trước tim cùng với dung dịch acid nicotinic trong điều trị chứng đau vùng trước tim trên 36 bệnh nhân. Kết quả điều trị tốt ở 52,8% bệnh nhân dùng liệu pháp trên, so với 23,3% ở nhóm bệnh nhân đối chiếu dùng thuốc giãn mạch và hạ lipid máu uống thông thường.

Nghiên cứu “Biological activities of salvianolic acid B from Salvia miltiorrhiza on type 2 diabetes induced by high-fat diet and streptozotocin” của các tác giả Mingqing Huang *, Peijian Wang *, Shuyu Xu, Wen Xu, Wei Xu, Kedan Chu, Jinjian Lu ở các Trường đại học Trung Quốc cũng chứng minh tác dụng của thành phần Salvianolic acid B trong đan sâm: Salvianolic acid B làm giảm đáng kể glucose máu và làm tăng chỉ số nhạy cảm insulin. Salvianolic acid B cũng làm giảm cholesterol toàn phần giảm cholesterol tỷ trọng thấp, giảm acid béo không ester hóa; làm tăng glycogen gan và cơ, làm tăng cholesterol tỷ trọng cao ở chuột nghiên cứu bị gây đái tháo đường bởi chế độ ăn giàu chất béo và streptozotocin. Ngoài ra, Salvianolic acid B làm giảm rõ rệt hàm lượng triglycerid và malondialdehyde, làm tăng superoxide dismutase – một chất chống oxy hóa ở chuột nghiên cứu bị gây đái tháo đường bởi chế độ ăn giàu chất béo và streptozotocin.

Salvianolic acid là chất chống oxy hóa mạnh. Salvianolic acid bảo vệ các tế bào nội mô, tế bào cơ trơn động mạch, cơ tim và LDL khỏi tác hại của các gốc tự do và peroxy. Ngoài ra, các Salvianolic acid làm giảm sự bám dính của các phân tử tiểu cầu trên các tế bào nội mô mạch máu thông qua điều chỉnh hoạt động kinase trong tế bào. Như kinase liên quan đến tín hiệu đường ức chế bởi acid salvianolic cũng góp phần tác dụng chống viêm của chúng. Salvianolic acid có ái lực mạnh ức chế sự tương tác protein-protein. Các tác dụng bảo vệ tim mạch của Salvianolic acid thông qua nhiều cơ chế phân tử qua các tế bào trung gian. Chính cơ chế độc đáo như vậy giúp Salvianolic acid B trở thành một chất nhiều tiềm năng trong việc bảo vệ các tế bào thuộc hệ tim mạch.